Những tài xế có thói quen lái xe ẩu sẽ nhanh chóng tàn phá các bộ phận trên xe ô tô, đặc biệt là lốp, phanh, thân xe, hệ thống điện và hệ thống lái. Ngoài ra còn những thói quen xấu vô tình tàn phá ô tô mà các tài xế hay mắc phải, cùng Quảng cáo xe tìm hiểu nhé!
Không sử dụng phanh tay
Khi đỗ xe trên địa hình gồ ghề hay bằng phẳng mà quên sử dụng phanh tay sẽ khiến toàn bộ trọng lượng của xe đổ dồn vào một miếng kim loại nhỏ nằm trong hộp truyền động. Miếng kim loại này chỉ nhỏ bằng ngón tay và hoàn toàn có nguy cơ bị gãy nếu phải chịu toàn bộ sức nặng của phương tiện. Chính vì thế, sử dụng phanh tay góp phần cân bằng tải trọng của xe và giúp tuổi thọ của hộp số kéo dài hơn.
Thường xuyên để bình nhiên liệu cạn kiệt
Thực tế cho thấy, có rất nhiều lái xe để bình xăng rơi vào tình trạng "chết lâm sàng". Nếu tiếp tục để tình trạng này kéo dài thì chủ xe sẽ phải thay bơm xăng mới trong một ngày không xa.
Chuyển từ số lùi sang số tiến khi xe chưa dừng hẳn
Nhiều tài xế có thói quen vội vã chuyển từ số lùi (R) sang số tiến (D) khi xe chưa dừng hẳn. Duy trì thói quen này trong thời gian dài sẽ khiến bánh răng hộp số bị gãy.
Rồ ga khi động cơ vẫn còn lạnh
Rồ ga khi động cơ vẫn còn lạnh sẽ phá hủy các chi tiết của động cơ vì lúc này động cơ chưa có đủ thời gian để làm nóng, dầu bôi trơn chưa đưa kịp đến các bộ phận của động cơ. Rồ ga không giúp cho quá trình này diễn ra nhanh hơn, trái lại còn gây hư hại xe.
Đạp hết ga khi không cần thiết
Không có hành động nào "đốt" nhiên liệu nhanh bằng đạp hết ga, phanh gấp đồng nghĩa với tàn phá má phanh và rô tơ. Vì khi bạn đạp hết ga đến lúc muốn dừng xe bạn phải dựa dẫm vào bộ phanh khi cần chiếc xe giảm tốc độ. Cả hai động tác này đều không tốt cho xe.
Tỳ tay trên cần số
Lái xe số sàn đem lại cảm giác thú vị vì chỉ điều khiển vô lăng bằng một tay, tay còn lại để lên cần số như một thói quen. Việc này không những tạo áp lực lên bộ trục của cần số, khiến nó bị nhanh mòn, mà còn tiềm ẩn nguy cơ không kịp điều khiển vô lăng khi gặp các tình huống xảy ra bất ngờ.
Lạm dụng chân côn
Thao tác giữ chân côn khi xe đã ngừng hẳn hữu ích trong trường hợp muốn xuất phát nhanh khi đèn giao thông chuyển màu xanh. Tuy nhiên, thói quen này sẽ gây hại cho bề mặt côn, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất côn. Vì vậy khi xe đang dừng, thay vì đạp côn và để số tiến, hãy về số “mo” và nhả chân côn
Chở quá nhiều đồ nặng
Chở càng nhiều đồ nặng, xe càng tốn xăng, càng ảnh hưởng đến bộ truyền động, hệ thống treo và cả hệ thống phanh. Auto Toàn Phát khuyên lái xe chỉ giữ lại những vật dụng thật sự cần thiết trên xe. Việc giảm khối lượng trên xe sẽ tạo sự khác biệt về tiêu thụ nhiên liệu khi di chuyển xe trên một quãng đường dài.
Rà phanh khi xuống dốc
Rà phanh liên tục khi xe xuống dốc tạo phanh chịu áp lực lớn trong thời gian dài, dẫn đến má phanh sẽ bị cháy và cong vênh. Tình huống xấu nhất là xe bị mất luôn phanh, rất nguy hiểm. Chỉ khi di chuyển về số thấp, bộ truyền động mới giúp hãm tốc độ xe của bạn một cách an toàn.
Bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo
Tuyệt đối ngưng vận hành xe nếu thấy những dấu hiệu như: tiếng ồn phát ra từ gầm xe, khí rò rỉ dưới nắp ca-pô, tiếng kêu ở bánh xe, xe lệch sang một bên khi phanh xe, … Nếu tiếp tục vận hành hậu quả sẽ rất nguy hiểm cho động cơ và người lái.
Có thể nói, sau nhà ở, xe ô tô là tài sản lớn nhất của người Việt. Cho dù là một chiếc xe cũ hay mới họ đều rất trân quý nó. Mặc dù chưa có cách nào đảm bảo được chiếc xe sẽ an toàn tuyệt đối nhưng trên là một vài điều lái xe cần phải ghi nhớ nhằm hạn chế tối đa những thói quen tàn phá xe ô tô mỗi khi ngồi sau tay lái.
Mộng Thi