Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 59/2018 hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với mô tô, xe máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Dù thông tư đã ban hành nhưng vẫn còn những ý kiến trái chiều liên quan đến các nội dung của thông tư này.
Theo Bộ GTVT, việc dán nhãn năng lượng mô tô, xe máy sẽ do cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu tự in nhãn năng lượng theo mẫu quy định của Bộ Công Thương. Sau đó gửi thông tin công khai tới cơ quan quản lý chất lượng. Đồng thời các cơ sở phải thực hiện dán nhãn năng lượng lên từng xe tại vị trí dễ quan sát (yếm trước của xe, cạnh đèn pha trước của xe, cạnh bình xăng nếu nằm ở phần thân trước xe hoặc Ốp đầu xe) trước khi đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, nhãn này phải duy trì trên xe cho đến khi xe được bàn giao tới người tiêu dùng.
Để giám sát việc này, Bộ GTVT cho biết hằng năm, cơ quan quản lý chất lượng lập kế hoạch kiểm tra việc tuân thủ về công khai thông tin mức tiêu thụ nhiên liệu và thực hiện dán nhãn của các cơ sở. Trường hợp phát hiện cơ sở có dấu hiệu công bố thông tin không chính xác hoặc đánh lừa người tiêu dùng thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu cơ sở đó phải thử nghiệm lại mức tiêu thụ nhiên liệu.
Bộ GTVT cũng lưu ý đối tượng dán nhãn năng lượng là các mô tô, xe máy mới (hiểu đơn giản là xe chưa có biển số), chứ không phải hơn 40 triệu xe máy đang lưu hành (đã được cấp biển số). Thông tư không áp dụng đối với các loại xe được sản xuất phục vụ mục đích an ninh - quốc phòng an ninh, xe tạm nhập tái xuất, xe của cơ quan ngoại giao và lãnh sự, xe nhập khẩu không vì mục đích kinh doanh hoặc theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ, xe sử dụng nhiên liệu không phải là xăng, điêzen, khí hóa lỏng và khí tự nhiên...
Sau khi có nhãn năng lượng, người tiêu dùng được hưởng lợi do họ có thêm thông tin để lựa chọn dòng xe tiết kiệm nhiên liệu trước khi quyết định mua xe mới mà không phải trả bất kỳ chi phí nào. Bộ GTVT cũng cho biết nhãn năng lượng không phải là giấy tờ phục vụ công tác đăng ký xe cũng như các thủ tục khác.
Theo lãnh đạo Vụ Môi trường (Bộ GTVT), trên thế giới nhiều nước đã và đang tích cực triển khai việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với xe cơ giới thông qua các chương trình như dán nhãn năng lượng, quy định mức tiêu thụ năng lượng tối thiểu, đánh thuế nhiên liệu, lái xe sinh thái, chương trình bảo dưỡng xe… Chương trình dán nhãn năng lượng đã được thực hiện ở nhiều quốc gia như các nước châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… Ở khu vực Đông Nam Á có Singapore, Thái Lan, Đài Loan...
Như vậy, việc dán nhãn năng lượng được thực hiện đối với mô tô, xe máy sản xuất, lắp ráp mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng. Về lộ trình dán nhãn, khuyến khích áp dụng từ nay đến 31/12/2019 và bắt buộc từ ngày 1/1/2020.
Mộng Thi